Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp sau hơn 1 tháng làm việc nghiêm túc, khẩn trương và hiệu quả. Tại kỳ họp cuối năm này, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng như dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015; giải trình về nợ công... 3 dự án Luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo được Quốc hội xem xét thông qua với số phiếu tán thành cao và một dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến.
Đến năm 2020 nợ công giảm còn khoảng 60,2% GDP
Tại kỳ họp này, Bộ Tài chính đã có báo cáo tổng thể về tình hình nợ công. Quốc hội đã có Nghị quyết số 10/2011/QH13 quy định trần nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP. Chính phủ đã ban hành Chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó quy định nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể vay về cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm.
Nợ công là nguồn vốn cần thiết và rất quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%). Rất nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, viễn thông, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục... đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và nhiều công trình đang xây dựng, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng. Cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh; tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn; tỷ trọng chi đầu tư giảm; bội chi còn cao.
Đại biểu QH tham dự phiên bế mạc
Khẳng định trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong thời gian tới, để xây dựng nền tảng vững chắc sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cùng với việc tăng cường huy động các nguồn lực ngoài nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, chúng ta vẫn phải tiếp tục sử dụng vốn vay cả trong và ngoài nước để đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công. Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, bảo đảm theo đúng quy định và trong giới hạn cho phép. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công giảm còn khoảng 60,2% GDP (quy định là không quá 65% GDP), nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP (quy định là không quá 55% GDP) và tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20% (quy định là không quá 25%). Đồng thời kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ khác như: Nợ đầu tư xây dựng cơ bản, nợ nguồn chưa sử dụng của Kho bạc Nhà nước, nợ vay của Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các Ngân hàng chính sách và nợ của Doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra, khẩn trương cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và chi phí vay vốn. Các khoản vay mới, kể cả vay để đảo nợ chủ yếu phải có kỳ hạn từ 5 năm trở lên; Nợ nước ngoài của quốc gia đến cuối năm 2014 khoảng 39,9% GDP và dự kiến đến năm 2020 khoảng 46% GDP (quy định là không quá 50% GDP). Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ năm 2014 khoảng 25,9%, trong đó có 11,32% là do các ngân hàng thương mại đã tận dụng cơ hội vay ngoại tệ ngắn hạn, lãi suất thấp ở nước ngoài để đáp ứng ngay cho nhu cầu thanh toán hàng hóa dịch vụ nhập khẩu...
Cải cách thủ tục, cải thiện môi trường kinh doanh
Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng, thành lập, giải thể doanh nghiệp, thủ tục đầu tư...
Đại biểu QH biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào SXKD
Bộ Tài chính đã chủ động ban hành các chính sách thuộc thẩm quyền và trình Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp quy nhằm đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngay trong năm 2014, đưa số doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử từ 65% lên 95%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm được 290 giờ, từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm. Khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của các Luật Thuế có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, sẽ giảm thêm được 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm (thấp hơn mức bình quân 171 giờ/năm của ASEAN-6).
Theo Báo cáo cập nhật về Môi trường kinh doanh công bố tháng 10/2014 của Ngân hàng Thế giới (số liệu tính đến tháng 6/2014), xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 21 bậc, từ 99 lên 78/189. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu công bố tháng 9/2014 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 2 bậc, từ 70 lên 68/148 nền kinh tế. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody's nâng từ mức B2 lên B1, Fitch nâng từ B+ lên BB- và đều đánh giá với triển vọng ổn định).
Quốc hội thông qua 3 Luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với số phiếu tán thành cao
Quốc hội thông qua 3 Luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với số phiếu tán thành cao, đó là: Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên bế mạc
Với 423 đại biểu tán thành (chiếm 85,11%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Dự thảo Luật mới này, khi đi vào cuộc sống, sẽ quản lý chặt chẽ việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB đã được 366 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua (chiếm 73,64%).
Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế với 425 đại biểu tán thành (chiếm 85,51%). Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư; giảm bớt khó khăn về vốn, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi và phát triển sản xuất-kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách trong dài hạn.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Đây là một khối lượng công việc lớn của Bộ Tài chính tại kỳ họp Quốc hội lần này. Đặc biệt, trong một khoảng thời gian ngắn, Bộ đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu trình Quốc hội 2 dự án Luật về thuế để trình Quốc hội thông qua theo trình tự rút gọn tại một kỳ họp.
NL
Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính